Trong đời sống con người thường hay chạy đến tâm sự kêu cầu than vãn với mẹ mình nhiều hơn ngay từ lúc còn tuổi thơ ấu, và rồi trong suốt dọc đời sống, nhất là những lúc gặp buồn phiền lo âu khủng hoảng….
Đời sống nhân loại xưa nay hầu như trên khắp hoàn cầu luôn gặp vướng trở khó khăn khủng hoảng. Một trong những điều đó là nếp sống phải đi di cư tỵ nạn, phải sống lưu lạc bỏ quê hương xứ sở, quê cha đất tổ của mình tìm cách đi sinh sống sang nơi đất nước châu lục khác xa lạ về mọi phương diện.
Sang sinh sống lập nghiệp nơi xa lạ, người di cư tỵ nạn có nhiều lo âu bấp bênh chao đảo. Họ cần sự an ủi giúp đỡ được thu nhận, để có đời sống bình an. Và xưa nay Liên Hiệp quốc, cùng các nước có đời sống phúc lợi giầu có hằng mở rộng vòng tay tiếp nhận, tạo điều kiện cơ hội cho họ hội nhập vào xã hội mới, dần dần kiến tạo xây dựng có đời sống an cư lạc nghiệp trở lại.
Đây là điều quan trọng cần thiết trong nếp sống bác ái tình người, như trong kinh Tám mối Phúc Thật có phương châm hướng dẫn: “Cho kẻ đói ăn. Cha khách đỗ nhà.”.
Và trong kinh cầu Đức Mẹ Loreto có lời cầu khấn ca nguyện: “Đức Bà nâng đỡ người di cư.”
Vậy đâu là hình ảnh Đức Mẹ Maria trong nếp sống lưu lạc của người đi di cư tỵ nạn?
Xưa nay trong đời sống xã hội có những người phụ nữ quảng đại hy sinh dấn thân đến những nơi nghèo khổ thiếu thốn, đến những nơi trại có người di cư tỵ nạn, người bị bỏ rơi…giúp đỡ an ủi họ. Gương sống bác ái dấn thân của Mẹ Thánh Teresa thành Calcutta và Dòng của Mẹ Thánh sống giữa người nghèo khổ bị bỏ rơi trong xã hội là một hình ảnh sống động bừng cháy ngọn lửa tình yêu thương bác ái trong lòng xã hội và Giáo hội. Và hằng có những vị nữ tu, các vị phụ nữ khác nữa trên thế giới dấn thân ra đi đến tận các trại tỵ nạn sống giúp đỡ an ủi những người nghèo khổ sống cảnh bơ vơ.
Bàn tay bác ái lòng từ mẫu của các vị nữ tu, hay của những người phụ nữ giầu lòng từ tâm bác ái không xóa hết cảnh nghèo khổ thiếu thốn. Nhưng truyền gửi đến tín hiệu sự an ủi niềm thông cảm cho con người trong cảnh bơ vơ chao đảo. Điều này đáp ứng cho nhu cầu đời sống tinh thần con người.
Bàn tay chan chứa tình người của các người phụ nữ giầu lòng từ bi nhân ái không là tất cả. Nhưng là sứ điệp niềm vui mừng hy vọng cho con người: tôi không bị bỏ rơi, có người cùng đồng hành với trong mọi hoàn cảnh!
Bàn tay dịu hiền của những vị phụ nữ giầu lòng cảm thương với mọi người trong cảnh bơ vơ khốn khó, tuy không là nơi chốn đất nước tiếp nhận họ vào sinh sống, nhưng giữa bước đường di cư bơ vơ tỵ nạn lại là bến bờ chiếu tỏa hơi ấm tình người cho họ.
Đời sống có cơm ăn áo mặc, có nhà ở được thu nhận vào sống trong một đất nước bình an là khát vọng mong ước của người đi di cư tỵ nạn.
Ngày xưa cách đây hơn hai ngàn năm, như Kinh Thánh thuật lại (Mt 2, 13-23), Đức Mẹ Maria sau khi hạ sinh hài nhi Giêsu ở Bethlehem cũng đã phải trải qua cảnh sống di cư tỵ nạn từ nước Do Thái sang đất nước AiCập. Không có chi tiết nào thuật nói về cảnh đời sống di cư tỵ nạn của gia đình Đức mẹ Maria hồi thời đó bên xứ Ai cập. Nhưng chắc một điều là gia đình sống cảnh thiếu thốn giữa hoàn cảnh xa lạ bơ vơ. Và chắc cũng có những tấm lòng từ tâm bác ái mở rộng bàn tay giúp đỡ những người tìm đến sống đời di cư tỵ nạn giữa họ.
Đức mẹ Maria là người phụ nữ, người mẹ nhạy cảm với những nhu cầu cần thiết cho con thơ bé mình, cho gia đình hơn hết. Nên chắc rằng người mẹ tìm mọi cách mang lại sự vỗ về yêu thương cho con thơ mình dù trong hoàn cảnh bơ vơ thiếu thốn. Bàn tay lòng từ mẫu sự yêu thương săn sóc của người mẹ mang đến cho người con sự an ủi, sự bình an.
Qua được giúp đỡ ủi an của người khác cho gia đình trong bước đường tỵ nạn, và chính bàn tay đức mẹ đã giúp gia đình mình, con mình có được sự an ủi bình an, là những kinh nghiệm qúy báu Đức mẹ Maria không bao giờ quên.
Đức mẹ Maria theo niềm tin đã được Thiên Chúa thưởng công cho về trời cả hồn lẫn thân xác. Và Giáo hội, người tín hữu Chúa Kitô hằng đặt lòng tin tưởng nơi Đức mẹ Maria là người xưa kia đã sống trải qua hoàn cảnh đời sống di cư tỵ nạn trên trần gian, nên đã thấu hiểu biết rõ nhu cầu cho đời sống người di cư tỵ nạn thế nào.
Nơi trần gian xưa nay luôn hằng có hoàn cảnh di cư tỵ nạn. Làn sóng di cư tỵ nạn ngày càng tăng thêm lên theo nhận định của Liên hiệp quốc về di cư tỵ nạn.
Các quốc gia đất nước có đời sống xã hội bình an thịnh vượng hằng theo khả năng mở rộng vòng tay đón tiếp giúp đỡ. Nhưng như vị cựu Tổng thống nước Đức Ông Joakim Gauck đã nói lên tâm tình: Trái tim của chúng tôi rộng mở, nhưng khả năng của chúng tôi có giới hạn!
Và bây giờ nơi trần gian mọi người, người tín hữu Chúa Kitô cùng rộng mở bàn tay bác ai đóng góp giúp đỡ, và trong niềm tin dâng lời cầu khấn nguyện xin: Đức Bà nâng đỡ người di cư! Cầu cho chúng con.
Tháng Mân Côi kính Đức Mẹ Maria
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Read 1230 times
Last modified on Freitag, 27/10/2023